Báo Lao Động

0
102

HỌA SỸ ĐOÀN VIỆT TIẾN

Đoàn Việt Tiến với tác phẩm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vẽ ngược lên mặt sau của kính thủy tinh

Có lẽ thương binh Đoàn Việt Tiến là người đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam vẽ tranh sơn dầu bằng 5 đầu ngón tay, mà lại vẽ ngược lên mặt sau của kính thuỷ tinh. Để thành công với cách vẽ sáng tạo độc đáo này, anh đã trải qua 10 năm khổ luyện cùng những nỗi đau xô chụp xuống cuộc đời, mà đỉnh điểm là hạnh phúc gia đình tan vỡ…

 Thăng hoa từ niềm say mê…

Năm 2001, kỷ niệm 71 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2), Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM mở cửa triển lãm bộ sưu tập tranh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẽ trên kính thuỷ tinh. Đó là 30 bức tranh sơn dầu khổ 0,8 x 1m và 0,8 x 1,2m mà tác giả – họa sĩ thương binh Đoàn Việt Tiến (quê ở Bến Tre) trao tặng sau suốt 100 ngày đêm miệt mài vẽ ngay tại TPHCM. Tiến không vẽ tranh bằng cọ hay bút. Với chất liệu sơn dầu, anh vẽ bằng 5 đầu ngón tay và vẽ ngược lên sau mặt kính. Điều đó đã gây ngạc nhiên, thích thú đối với nhiều người xem triển lãm. Cách vẽ độc đáo của Tiến đã tạo ra những bức tranh sống động, sắc sảo trông giống như ảnh chụp. Có thể nói, bộ tranh vẽ chân dung Bác Hồ qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam là bước ngoặt đưa người thương binh tài hoa sống lặng lẽ ở vùng quê nghèo thuộc xã Phú Đức (huyện Châu Thành, Bến Tre) đến với công chúng yêu hội hoạ. Bảo tàng Bến Tre, ngay sau đó mời anh thực hiện bộ tranh chân dung Hồ Chủ tịch cho quê nhà. Sau đợt triển lãm, Tiến đã vẽ khoảng 200 bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch tặng nhiều cơ quan trong nước. Rồi hàng loạt hợp đồng khác… níu lưng Tiến, đưa anh trải qua những ngày vẽ đến gần như kiệt sức. Bà Đoàn Thị Thành (mẹ Tiến) nhớ lại: “Một thời gian dài sau cuộc triển lãm ở TPHCM, thấy con lao vào vẽ ngày vẽ đêm, tôi lo nó không đủ sức khoẻ, mà Tiến ngã bệnh thật…”.

Kỷ niệm 40 năm ngày đồng khởi, trong số nhiều vị khách quý về dự tại Bến Tre có ông Tổng Lãnh sự Cuba tại Việt Nam. Tiến vẽ chân dung lãnh tụ Fidel Castro với mục đích làm quà tặng. Nhà ngoại giao Cuba xúc động với bức chân dung vị lãnh tụ của đất nước mình được thể hiện sống động trên tấm kính thuỷ tinh. Ông càng cảm kích hơn khi biết rằng nó được vẽ bởi một cựu chiến binh – thương binh Việt Nam, sau đó ông đã mời Tiến đến thăm Tổng Lãnh sự quán Cuba tại TPHCM. Tại đây Tiến đã vẽ tặng bức chân dung Fidel thứ hai.

Cuối tháng 11.2002, tôi đến ấp Phú Xuân lần tìm nhà Tiến. Anh đang miệt mài vẽ để hoàn thành thêm một bộ tranh cho Bảo tàng Bến Tre và chuẩn bị đi Cần Thơ vẽ bộ sưu tập tranh hình ảnh người lính ĐBSCL theo hợp đồng với Bảo tàng Quân khu 9. “Do đâu anh có ý tưởng vẽ ngược lên kính bằng 10 đầu ngón tay và nảy sinh từ khi nào?” – tôi hỏi. Tiến kể: “Một hôm cách nay trên 10 năm, tình cờ nhìn thấy tấm kính phản chiếu ánh mặt trời trông thật lung linh, tôi nghĩ có lẽ vẽ lên kính tranh sẽ “sáng” lắm. Nhưng để giữ tranh được lâu phải vẽ ngược lên mặt kính. Và “linh cảm” của một người mê vẽ như mách bảo rằng vẽ bằng ngón tay thì tư duy sáng tạo của người vẽ sẽ truyền trực tiếp vào bức tranh, tác phẩm sẽ có hồn hơn.Vậy là tôi bắt tay vào… làm thử”.

Cái rung cảm bất chợt của một chàng trai khi nhìn tấm kính lung linh dưới ánh mặt trời thật lãng mạn. Nhưng chỉ chừng ấy không thể sản sinh ra họa sĩ thương binh Đoàn Việt Tiến hôm nay. Tiến bộc lộ năng khiếu và mê vẽ từ nhỏ, đặc biệt là vẽ chân dung Bác Hồ. Anh kể với tôi như thuộc lòng: Sống ở quê ngoại, quê hương của đồng khởi – anh được nghe cô bác nói về Bác Hồ với niềm tôn kính, rồi cứ hình dung Bác như một ông tiên. Cho đến một hôm, cậu bé Tiến được mấy chú giải phóng quân cho xem ảnh Bác Hồ, anh thích quá cầm bút vẽ ngay. Được khen “cháu vẽ giống lắm”, cậu bé vui sướng tới mức suốt những năm tháng sau đó say sưa tập vẽ theo ảnh Bác Hồ. Rồi năm 1979, cậu học sinh giỏi lớp 12 Trường THPT Châu Thành B tình nguyện đi bộ đội. 5 năm làm anh bộ đội trong đội hình Trung đoàn 4 (Sư đoàn 330), những ngày tham gia chiến đấu tại chiến trường K, anh vẫn say mê vẽ. Đó là những bức ký hoạ 32 trận đánh của đơn vị vẽ bằng bút bi, bằng than rừng trên giấy, trên vỏ và trên lá cây thốt nốt… Tiến nhớ lại: “Thời gian này, tôi vẫn say mê vẽ chân dung Bác Hồ…”.

Vẽ từ nỗi đau đời

Bây giờ nghe Tiến kể, tưởng như cách vẽ ngược lên mặt kính bằng 10 ngón tay dễ như không. Thật ra, để có được thành công đầu tiên với bộ tranh tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, Tiến đã phải trải qua 10 năm khổ luyện với cái giá khá nhiều cay đắng. Tiến bắt đầu luyện tập vẽ chân dung Bác Hồ ngược lên kính bằng ngón tay từ năm 1990. Trước khi bức vẽ đầu tiên thành công vào ngày 19.5.1999, Tiến đã vẽ hỏng hàng trăm bức. Thời gian 10 năm dài đằng đẵng ấy, anh thương binh Đoàn Việt Tiến còn phải lo chuyện mưu sinh. Ban ngày, anh rong ruổi khắp miền Tây vẽ (bằng bút) quảng cáo, kẻ chữ, chân dung… theo “đơn đặt hàng” kiếm sống để đêm đêm luyện vẽ ngược bằng 5 ngón tay trên kính. Lần mở các tập nhật ký, ngay cả Tiến dường như cũng không tin nổi anh đã phải trải qua trên 60 lần dời nhà bởi sự chuyển dịch vì cuộc mưu sinh! Bây giờ với những hợp đồng vẽ các bộ sưu tập tranh, cuộc sống của anh đã qua cơn bĩ cực. Nhưng nhớ lại những năm tháng khắc nghiệt của cuộc đời, giọng kể của Tiến vẫn bồi hồi…

Năm đầu tiên của thập kỷ 90, cha anh bệnh nặng khi Tiến vẫn đang còn túng bấn với “kiếp vẽ thuê” kiếm sống. Mẹ anh phải cầm cố mảnh vườn 4.000m2 lo chi phí chữa bệnh cho cha Tiến. Cha anh vẫn không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống không ổn định nơi đất khách Tiền Giang, mẹ và anh dắt díu nhau về quê ở nhờ trên đất một người bà con. Trong căn chòi nhỏ không có cả điện thắp sáng ở cái xóm nghèo Phú Xuân, Tiến vẫn miệt mài luyện vẽ tranh ngược lên kính bằng ngón tay. Mẹ Tiến kể: “Nhiều đêm thấy con loay hoay vẽ tới khuya dưới ánh đèn dầu, những ngón tay bê bết sơn, lòng tui như đứt ruột…”. Còn Tiến khi nhớ lại quãng thời gian lắm nhọc nhằn này, anh nghĩ và biết ơn người đã có tác động không nhỏ vào sự thành công sau này của anh. Đó là người bác ruột – nhà văn Đoàn Giỏi. Chính nhà văn đã khẳng định với Tiến rằng khổ luyện vẽ bằng ngón tay ngược lên mặt sau của kính, thì cũng phải khổ luyện thể hiện cho được cái “thần” trong đôi mắt của Bác mới có thể thành công với những bức vẽ chân dung Bác…

5 năm sau (1995), Tiến lập gia đình. Nhưng hạnh phúc lứa đôi chỉ kéo dài được 4 năm. Có lẽ không chịu đựng nổi cái khắc nghiệt của cuộc sống thiếu hụt vật chất đeo đẳng, vợ Tiến bế đứa con thân yêu của hai người đi biệt không hẹn ngày trở lại. Bất hạnh của đời thường khiến tâm hồn người thương binh 3/4 bị dằn vặt, giằng xé. Nhưng nỗi đam mê nghệ thuật là sức mạnh giúp Tiến đứng lên, vượt qua nỗi đau tinh thần. 5 ngón tay. Rồi cả 10 ngón tay. Anh lao vào luyện vẽ. Vẽ, vẽ và vẽ. 4 năm – quãng thời gian từ lúc vợ anh bế con rời xa cho đến khi bức vẽ ngược trên kính đầu tiên thành công (1999) – cuộc sống của Tiến gần như gói gọn trong từ “vẽ”.

Ngồi với tôi trong xưởng vẽ giữa không gian yên ắng của vùng quê, nhớ lại cuộc chia tay đã lùi xa 4 năm, tôi không thấy Tiến bộc lộ một biểu hiện trách cứ nào. Trong câu chuyện lan man quẩn quanh về cuộc đời, về nghệ thuật, dù không ai nói ra, song anh và tôi hình như đồng ý với nhau rằng: Trong những khúc quanh, ngã rẽ của cuộc đời, lắm khi người ta phải có những quyết định lựa chọn đầy khó khăn. Như Tiến quyết tâm đeo đuổi niềm đam mê vẽ cháy bỏng trong máu thịt. Như vợ anh quyết định chọn một lối đi khác, mà có lẽ theo chị, phù hợp với cách sống của mình hơn. Nghĩ như thế, người ta sẽ không trách cứ nhau. Nghĩ như thế, dù nỗi buồn có đầy ắp, dù nỗi đau không dễ nguôi ngoai, người ta vẫn yêu cuộc đời này. Để sống. Để làm việc – những công việc mình yêu thích.

Bây giờ có thể nói Tiến đã thành đạt, đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của đời mình. Hợp đồng vẽ bộ sưu tập chân dung người lính ĐBSCL chỉ mới chuẩn bị thực hiện, Tiến đã nhận được nhiều lời mời ký hợp đồng tiếp tục vẽ các bộ sưu tập về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác… Như con ong làm mật cho đời, hoạ sĩ Đoàn Việt Tiến đã được công chúng yêu hội hoạ biết đến như một nghệ sĩ sáng tạo ra cách vẽ độc đáo. Còn tôi, tôi cứ muốn nghĩ về Tiến như một con người đã sống, đã yêu và làm việc hết mình cho cuộc sống này thêm đẹp…

BÁO LAO ĐỘNG