Tài và tâm của một họa sĩ

0
150

Vẽ bằng năm đầu ngón tay và vẽ ngược trên mặt kiếng là cách vẽ tranh chân dung độc đáo của anh thương binh Đoàn Việt Tiến. Để đạt độ thần sắc tuyệt vời qua các bức vẽ chân dung Bác Hồ, anh phải trải qua nhiều năm khổ luyện. Giờ đây, không chỉ thành danh với nghề vẽ tranh ngược trên kiếng, Đoàn Việt Tiến còn được nhiều người biết đến là một họa sĩ luôn nặng lòng với việc chăm lo cho người nghèo.

Lập kỷ lục Việt Nam

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên 5 năm ở chiến trường Campuchia, năm 1986, anh thương binh 3/4 Đoàn Việt Tiến trở về làng quê heo hút của mình thuộc xã vùng sâu Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tiếp tục niềm đam mê cháy bỏng: vẽ chân dung Bác Hồ bằng năm đầu ngón tay và vẽ ngược trên mặt kiếng. Lúc này đây và nhiều năm dài sau đó, cuộc sống nơi quê hương người thương binh vô vàn khó khăn, nhiều người bỏ quê tha phương cầu thực; còn với anh, cơm độn, cháo rau, không có tiền mua màu vẽ, không chỗ nơi làm việc đàng hoàng, ngày qua ngày, giữa đêm thâu, người thương binh vẫn miệt mài vẽ chân dung Bác Hồ với phương pháp độc đáo như vậy. Nghị lực và niềm say mê về một hình tượng cuối cùng đã đưa anh đến bến bờ của sự thành công. Sau 15 năm khổ luyện, cứ bằng năm ngón tay chấm màu mà vẽ và vẽ ngược trên mặt kiếng, những ngón tay tài hoa kia đã vẽ nên những bức chân dung Bác Hồ một cách xuất thần, nhìn không khác như ảnh chụp. Sau thành công vẽ chân dung Bác Hồ nhìn thẳng, Đoàn Việt Tiến miệt mài vẽ chân dung Bác Hồ với nhiều vị thế khác nhau. Vị thế nào anh cũng vẽ xuất thần, hình vẽ không khác như các bức ảnh nghệ thuật.

“Tiếng lành bay xa”, nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học tại Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, TPHCM… đặt anh vẽ chân dung Bác Hồ để treo ở những nơi trang trọng nhất.

Tôi hỏi Đoàn Việt Tiến về phương pháp vẽ bằng năm đầu ngón tay và vẽ ngược trên mặt kiếng, anh cho biết đã tập vẽ từ thuở nhỏ và vẽ ngay trên chiến trường Campuchia. Trong suốt quá trình đó, anh đã vẽ hỏng và không đạt đến hàng trăm bức. Bi đát hơn, đó là lúc sự thành đạt vừa chớm nở ở chàng họa sĩ tuổi bốn mươi thì khi nhìn lại, người vợ cũng đã bỏ ra đi từ những ngày người cựu chiến binh bơi ngược giữa cuộc sống!

Sự bất hạnh là nỗi đau thầm kín nhưng không làm chùn bước người họa sĩ này. Anh tiếp tục nhập thần vẽ chân dung Bác Hồ bằng… năm đầu ngón tay, như bức chân dung “Miền Nam trong trái tim Bác” chiều ngang 0,8 mét, cao 1,2 mét; bức “Bác Hồ với chiến dịch Điện Biên Phủ” ngang 0,5 mét, cao 0,75 mét và bức “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập”, “Bác Hồ với thiếu nhi” cũng với kích thước trên… tất cả thật sống động.

Sau đó, được sự giúp đỡ tận tình của Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Việt Tiến bắt tay vào thực hiện bộ sưu tập “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh” gồm 30 bức (0,8 mét x 1 mét, 0,8 mét x 1,2 mét). Tất cả đều vẽ bằng năm đầu ngón tay và vẽ ngược trên mặt kiếng. Anh thực hiện công trình này liên tục trong 100 ngày đêm và đã kịp thời để Bảo tàng triển lãm nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2-2001. Đoàn Việt Tiến tâm sự: “ Phải chạy nước rút với thời gian để vẽ bộ sưu tập trên. Suốt thời gian đó, trong giấc ngủ chập chờn tôi đều luôn thấy Bác Hồ, nhiều lúc ngủ quên vì quá mệt thì có lần tôi thấy…. Bác kêu tôi thức dậy…. vẽ tiếp…”. Cuộc triển lãm bộ sưu tập của anh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh được rất đông người đến thưởng lãm, khen ngợi. “Tiếng lành lại bay xa” và lần này thì lại bay đến Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, đó là vào năm 2005. Trong bằng kỷ lục Việt Nam cấp cho Đoàn Việt Tiến, tôi thấy ghi rõ: Kỷ lục về họa sĩ Việt Nam duy nhất vẽ tranh bằng tay trên kính.

Mang tình thương sưởi ấm người nghèo

Hiện nay, đời sống của họa sĩ Đoàn Việt Tiến khá hơn trước rất nhiều, nhưng điều lắng đọng trong tôi là những năm gần đây, anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền của của mình cùng vận động nhiều nhà hảo tâm làm từ thiện giúp dân nghèo tại xã Phú Đức. Một sáng cuối năm 2006, khi tôi đến nhà anh tại ấp Phú Xuân, Phú Đức (Châu Thành, Bến Tre), đã thấy rất đông dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại Phú Đức tề tựu trước sân vườn nhà anh. Thì ra, đây là lần thứ tư họa sĩ Đoàn Việt Tiến tổ chức tặng quà tình thương, tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người nghèo tại xã quê nhà của anh – nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn đến 18%. Trong lần thứ tư này, từ tấm lòng và qua vận động của anh, nhiều nhà hảo tâm tại TPHCM và các tỉnh khác gởi tặng 300 phần gạo, mỗi phần 15 kg cho 300 hộ nghèo; 25 phần quà cho các học sinh nghèo hiếu học; 1 nhà tình nghĩa, 6 nhà tình thương. Có mặt tại buổi trao quà tình thương, Chủ tịch UBND xã Phú Đức Nguyễn Thị Chín, nói với tôi: “Như vậy, sau bốn đợt, họa sĩ Việt Tiến và những nhà hảo tâm – là bạn bè thân thiết của anh – đã giúp cho bà con nghèo xã chúng tôi 25 tấn gạo, 4 nhà tình nghĩa, 7 nhà tình thương và trên 1.000 phần quà cho học sinh, người nghèo, tổng cộng trên 250 triệu đồng. Cảm động hơn, anh còn cho biết anh sẽ vẫn tiếp tục với công việc từ thiện này. Anh nói: “Nếu tôi làm ra được 10 đồng, tôi để 3 đồng nuôi mẹ già và đứa em gái bị bệnh tim, 4 đồng sử dụng vào chuyện sinh hoạt, đi lại hàng ngày, còn 3 đồng thì tôi sẽ dành hết giúp cho người nghèo”.

Đoàn Việt Tiến bên bức chân dung Bác Hồ do anh vẽ

Hiện tại, ngoài vẽ chân dung ngược trên kiếng bằng tay, vẽ chân dung qua tiềm thức người đối diện, anh còn là hội viên của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người- Chi nhánh phía Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Ở đó, hiện anh là người nghiên cứu khoa học – giải mã và ứng dụng năng lượng cảm xạ của con người. Có phải khi vẽ chân dung Bác Hồ, vẽ bằng năm đầu ngón tay, vẽ một cách xuất thần như vậy, thì tiềm ẩn ngay trong người anh đã có sức cảm xạ đặc biệt ?Chị Trần Thị Nết (ấp Song Phú, Phú Đức), người nhiều lần đã nhận quà từ tấm lòng nhường cơm sẻ áo của họa sĩ Đoàn Việt Tiến, xúc động: “Có biết nói gì đây. Tụi tôi cầu mong cho ổng có nhiều sức khỏe để vẽ, vẽ dài dài để có… tiền mua gạo giúp cho người nghèo…”. Nghe lời chúc mộc mạc từ một nông dân nghèo ở Phú Đức dành cho Đoàn Việt Tiến, tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến những ngày khổ luyện, vật vã ở anh mà tôi từng gắn bó; lúc đó, anh phải nhiều nghị lực lắm mới có thể vượt qua trước nhiều nghịch cảnh…