Đoàn Việt Tiến

Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bến Tre

Số tiền kiếm được, Tiến dành dụm mua áo quần, dụng cụ học tập, để ba mẹ nhẹ bớt gánh lo. Cậu bé sung sướng nhất khi sắm được những tuýp màu nước dùng để vẽ. Tiến vốn có năng khiếu và say mê vẽ từ những năm học vỡ lòng. Buổi chiều, khi xong việc, Tiến thường thơ thẩn bên bờ sông Tiền, nhìn về quê ngoại Bến Tre, nơi tiếng súng vẫn nổ rền vang. Đau đáu nỗi nhớ nhà, anh vẽ tranh theo trí tưởng tượng: dòng sông, con đò, rặng dừa xanh và cuộc chiến tranh khốc liệt với từng đoàn xe tăng, máy bay, tàu chiến…

Trong lần trở về quê ngoại, giữa gian nhà nơi ông bà bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, cậu bé đã gặp được những chú bộ đội. Tiến trổ tài, vẽ “tốc hành” chân dung chú bộ đội. Ai cũng  ngạc nhiên và ngợi khen bức ký họa có hồn, mang nhiều nét chấm phá. Một chú bộ đội lấy trong bóp ra tấm ảnh Bác Hồ với vầng trán rộng, đôi mắt sâu ngời sáng, đưa cho Tiến vẽ thử xem có giống không. Cậu bé ngắm nghía, rồi tò mò hỏi: “Người trong ảnh là ai?”, chú bộ đội bảo: “Đó là ông tiên. Khi nào đất nước hết chiến tranh, cháu sẽ được gặp ông tiên”. Tiến say sưa vẽ “ông tiên” ngay trong đêm, dưới ánh đèn dầu loe lét. “Ông tiên” qua tranh vẽ của Tiến, chẳng khác mấy so với bức ảnh in trên giấy.

Sau này anh mới biết “ông tiên” đó chính là Bác Hồ. Ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, như có một sức hút mãnh liệt từ đôi mắt, vầng trán, chòm râu, mái tóc bạc phơ, trang phục giản dị, Đoàn Việt Tiến say xưa vẽ Bác. Lúc bấy giờ dựa theo nhiều ảnh in trên sách, báo, anh vẽ lại và giới thiệu cho nhiều người cùng xem. Bù cho thời điểm trước đó, chẳng hiểu sao thấy anh vẽ “ông tiên”, ai cũng lo sợ và không cho treo ảnh lên vách!

Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, chàng họa sĩ nghiệp dư, cựu học sinh trường THPT Châu Thành B (Bến Tre), tình nguyện sang chiến trường Camphuchia. Cầm súng tham gia chiến đấu tận những vùng đồi núi cheo leo, tranh thủ lúc tạm ngưng tiếng súng, anh lại cầm bút vẽ ký họa về Bác, về đồng đội và cuộc chiến. Bất cứ chất liệu gì có thể làm nên tranh vẽ, đều được anh tận dụng như giấy học trò, vải, vỏ tràm. Hết bút mực thì dùng than củi để vẽ, tất cả chỉ mong mang lại cho đồng đội niềm vui, nghị lực. Và rồi tranh vẽ của anh cũng được chọn triển lãm với 32 bức ký họa.

Mẹ và khoảng trống

Năm 1984, Đoàn Việt Tiến xuất ngũ, trở về với đời thường. Người thương binh 3/4 vóc dáng hao gầy, lại lao vào cuộc sống, vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Anh lang thang ở nhiều khu chợ, khắp các tỉnh miền Tây: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp… vẽ chân dung, kẻ vẽ bảng hiệu quảng cáo để kiếm sống. Chợ tan, với chiếc xe đạp cà tàng anh len lỏi vào tận nhà dân, nhận vẽ (phục hồi) những bức ảnh thờ đã bị hoen ố theo thời gian.

Bôn ba khắp xứ, có tới trên 60 lần thay đổi chổ ở, vẽ vời đủ mọi thứ, nhưng cuộc sống vẫn nhịp điệu cũ: đủ trả tiền thuê nhà, cơm ngày hai bữa, riêng cái túi thì cứ rỗng không. Anh quyết định trở về quê nhà Bến Tre, tiếp tục cuộc sống kham khổ, rèn luyện thêm tay nghề. “Dù sao ở nơi ấy mình cũng còn có mẹ, được mẹ động viên chăm sóc, nhất là những khi cơn sốt rét rừng hành hạ”.

Từ rất lâu, bất cứ hoàn cảnh nào, trong trái tim của Đoàn Việt Tiến luôn say mê, ấp ủ một quyết tâm vẽ bộ sưu tập chân dung về Bác Hồ. Sau giải phóng, khi đang học lớp 9 trường THPT Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho, anh đã hoàn thành nhiều ảnh vẽ chân dung Bác, tặng cho các lớp bạn cùng khối để dành treo tường. Vẽ ảnh Bác Hồ bằng chất liệu màu nước, màu dầu, sơn trên giấy, trên vải và Panô anh đều làm quen tay.

 

Năm 1989, tình cờ sau một cơn mưa, nhìn thấy tấm kính bị bể nằm trước sân nhà, nắng rọi vào, ánh lên những sắc màu lung linh, anh nảy ra ý tưởng sao không thử vẽ tranh lên kính. Vậy là Tiến lao vào thử nghiệm. Với cả trăm mảnh vẽ không thành, dùng cọ tải màu vẽ lên kính cũng không xong. Những ngày mày mò khổ luyện vẽ chân dung Bác, đặc biệt giai đoạn thử nghiệm vẽ trên kính, chính mẹ anh là người đã khích lệ, góp ý cho từng mảng màu, nét vẽ.

Đời họa sĩ đôi lúc buồn như tranh. Nghèo túng đến đỗi một mái ấm gia đình cũng không giữ được. Anh lập gia đình năm 1995, khi hai vợ chồng có với nhau một đứa con gái 20 tháng tuổi. Không cam nổi cảnh sống vất vả, thiếu trước hụt sau, vợ anh đã bồng con dứt áo ra đi, để lại cho anh một khoảng trống, gãy đổ và hụt hẫng. Tiến tâm sự: “Lúc ấy tôi cứ tưởng bản thân mình không thể nào gượng dậy để theo tiếp nghiệp vẽ. Lòng tự trách mình sao quá bất tài, vô dụng!”

May mà còn có mẹ. Chính người mẹ đã lấp dần khoảng trống ấy và dựng anh đứng lên. Tiến có thói quen hay vẽ vào ban đêm. Vẽ ở đâu thì bày biện la liệt cọ, màu. Đôi lúc quá mệt mỏi, anh lăn ra ngủ luôn tại chỗ. Mẹ anh, bà Đàm Thị Thành kể: “Thấy Tiến buồn chuyện vợ con và mê vẽ, sa sút về sức khỏe, tôi luôn ở bên cạnh con để động viên chia sẻ. Nhiều đêm cả hai mẹ con cùng thức trắng. Mẹ cầm đèn dầu, soi từng nét vẽ cho con. Nấu cho nó chén cháo, tô mì gói cho ấm lòng”. Với Đoàn Việt Tiến: “Mẹ đã làm tất cả cho sự thành đạt của tôi ngày hôm nay”.

 Vẽ Bác Hồ bằng trái tim

Lần đầu tiên sau mười năm khổ luyện vẽ ngược trên kính, bức chân dung Bác Hồ khá hoàn chỉnh, được họa sĩ Đoàn Việt Tiến trao tặng cho Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1999. Mẹ nâng niu từng bức tranh anh làm ra, đồng đội trầm trồ thán phục, báo chí ca ngợi hết mình. Anh như có lửa, lao vào vẽ thêm nhiều chân dung khác về Bác.

Năm 2000, thông qua báo, đài giới thiệu biệt tài của một họa sĩ vẽ ngược chân dung Bác Hồ trên kính, Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) đã cử đoàn cán bộ về xã Phú Đức, xem họa sĩ Đoàn Việt Tiến sáng tạo nghệ thuật và mời anh về thành phố thực hiện bộ sưu tập chân dung Bác Hồ. Sau 100 ngày lao động cật lực, anh đã hoàn thành bộ sưu tập 30 ảnh vẽ ngược trên kính bằng chất liệu màu dầu, về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ba khổ ảnh 50cm x 70cm, 60cm x 90cm, 80cm x 1,2m.

Tại Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân dịp 3/2/2001, triển lãm ra mắt bộ sưu tập chân dung về Bác do họa sĩ Đoàn Việt Tiến trao tặng đã tạo được ấn tượng, thu hút đông đảo người xem đến chiêm ngưỡng. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá cao tranh vẽ ngược trên kính của Đoàn Việt Tiến. Ông nói: “Để thành công với phong cách mới, chất liệu vẽ mới, không chỉ tài năng sáng tạo, người vẽ còn phải có một trái tim luôn hướng về Bác, mới tạo nên thần sắc trong từng bức vẽ như vậy”.

Không ngơi nghỉ, anh tiếp tục vẽ 12 chân dung về Bác Tôn tặng cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Bức tranh vẽ ngược trên kính, khổ lớn nhất trước nay do Tiến vẽ tặng, là chân dung Thượng tọa Thích Quảng Đức (1,2m x 2,2m), vẽ tại Tổ Đình Quan Thế Âm (quận Phú Nhuận). Sau đó anh quay về quê vẽ tặng cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre 34 bức tranh về Bác Hồ với đời thường (Bác sinh hoạt với nhân dân và các em thiếu nhi).

Chân dung mà họa sĩ Đoàn Việt Tiến chọn vẽ đa số là những bậc hiền tài, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất. Anh vẽ tặng chân dung nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại của nhân dân Cuba Fidel Castro đến hai lần. Ngoài ra còn có chân dung của Che Guevara, nữ Tướng Nguyễn Thị Định. Năm 2003 sau khi vẽ tặng cho Bảo tàng Quân khu 9 một chân dung Bác, anh được mời thực hiện bộ tranh về người lính ĐBSCL.

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến cho biết, vẽ ngược trên kính có lợi thế, khi những mảng màu bám vào kính, sẽ tạo ra bức tranh sắc nét, khó phai theo thời gian… Suốt chục năm luyện vẽ trên kính (tập trung vẽ chân dung Bác), anh cảm nhận: “Về góc độ tâm linh, tôi đã bị hút sâu vào tâm hồn của Bác, nên rất dễ sáng tạo”. Sau mỗi lần thất bại, anh lại rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Với mười đầu ngón tay, từng ngón được phân công đảm nhận mỗi mảng màu sáng tối khác nhau. Riêng móng tay có nhiệm vụ vét tỉa những đường cong, hay nét nhỏ cho ảnh thêm sắc xảo.

Nhưng càng tập trung điều khiển những ngón tay cao độ để vẽ, lắm lúc tay, chân và toàn thân tê cứng như người bại liệt, không thể cử động được. Năm 2003, họa sĩ Tiến phải nhập viện điều trị gần một tháng, do thao tác vẽ liên tục bằng đầu ngón tay, tác động đến tim và các dây thần kinh. Anh buồn ủ rủ, lo sợ hai bàn tay không còn uyển chuyển, “nhả” màu phóng khoáng như chính tâm hồn và niềm say mê sáng tạo của anh. Vừa khỏi bệnh, anh lại lao vào công việc và tiếp tục xuôi ngược Nam Bắc với nghiệp vẽ.

Tiếng lành đồn xa về họa sĩ Việt Nam duy nhất vẽ tranh bằng tay trên kính, xác lập kỷ lục quốc gia (năm 2005), Đoàn Việt Tiến được mời sang biểu diễn giao lưu ở nhiều nước như Trung Quốc, Camphuchia, Thái Lan, Đức, Singapore, Ba Lan. Tính đến nay anh đã thực hiện khoảng 300 bức tranh vẽ trên kính khổ lớn (hơn 100 tranh trưng bày tại các Bảo tàng trong nước và quốc tế). Nhận lời mời của GSVS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Hội LHKH&KT VN, từ năm 2007 đến nay anh đã hoàn thành 26 bức tranh trong bộ sưu tập chân dung những nhà vua Việt Nam.

Hướng về quê nghèo

 

Tranh của họa sĩ Tiến vẽ, đặc biệt không bán. Anh mang biếu khắp nơi. Vẫn tố chất của một người lính, cả gia tài rong duỗi theo anh chỉ lỉnh kỉnh mấy món đồ nghề cỏn con. Khi đã trở thành người nổi tiếng, sau mỗi chuyến xuất ngoại trở về, bằng chính tài năng, anh luôn nhận được rủng rỉnh các khoản thù lao, tặng thưởng của kiều bào và khách nước ngoài. Chỉ riêng chuyến đi Ba Lan 30 ngày, anh nhận được khoản tiền thưởng 20.000 đôla. Anh bắt đầu suy nghĩ đến việc làm từ thiện giúp quê nghèo.

Sinh năm 1961, họa sĩ Đoàn Việt Tiến là cựu binh của Sư Đoàn 330, Quân khu 9, tham gia quân tình nguyện chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Không chỉ nhận nhiều bằng khen giấy khen của tỉnh, TPHCM về phong cách vẽ ngược trên kính, năm 2007 anh còn được Bộ LĐTB&XH tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Tiến có rất nhiều mạnh thường quân, họ là những người ngưỡng mộ tài năng của anh, nay trở thành bạn bè đồng tâm huyết, đóng góp vật chất cho hoạt động từ thiện. Năm năm qua, chỉ riêng tại xã nhà Phú Đức, anh đã nhiều lần huy động bạn bè mang về 35 tấn gạo tặng cho người nghèo, góp trên 300 triệu đồng để địa phương xây dựng đền thờ liệt sĩ xã, đình làng, cùng 17 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương xây tặng cho người nghèo, neo đơn tại Bến Tre, Tiền Giang.

Điều anh vui nhất là mang thành quả bao năm lao động nghệ thuật của mình xây tặng mẹ ngôi nhà khang trang, thay cho gian nhà trống trước dột sau, để mẹ an hưởng tuổi già. Đoàn Việt Tiến tâm sự: “Càng tham gia những việc làm từ thiện, cái tâm của mình càng thanh thản, phấn chấn. Tôi có cảm giác những nét vẽ của mình thăng hoa hơn, khi trải lòng vì mọi người”.

 ỦY BAN  NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE