HỌA HÌNH BÁC BẰNG 10 ĐẦU NGÓN TAY
Một chú bộ đội lấy ra trong bóp bức ảnh Bác Hồ đưa cho Tiến vẽ thử. Cậu bé ngắm nghía rồi tò mò hỏi: “Người trong ảnh là ai?”. Chú bộ đội bảo: “Đó là ông tiên, khi nào đất nước hết chiến tranh, cháu sẽ được gặp ông tiên”. Thế là Tiến say sưa vẽ ông tiên ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu…
Ký ức thời gian khổ
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre), Đoàn Việt Tiến nhớ mãi hình ảnh cha cõng trên lưng cùng mẹ dìu dắt các anh em vượt sông Tiền sang Mỹ Tho nương náu. Cậu học trò gầy nhom ở xóm chợ Vong Nhỏ thời ấy đã ý thức rất sớm chuyện cơm áo, gạo tiền. Một buổi đi học, một buổi Tiến cùng các anh bán bánh mì, đẩy củi thuê. Tiền kiếm được Tiến dành dụm mua áo quần, dụng cụ học tập và sướng nhất là sắm được các tuýp màu nước.
Tiến mê vẽ từ những năm học vỡ lòng. Buổi chiều khi xong việc, Tiến thường thơ thẩn bên bờ sông Tiền nhìn về quê ngoại Bến Tre. Đau đáu nỗi nhớ nhà, Tiến vẽ dòng sông, con đò và chiến tranh khốc liệt với xe tăng, máy bay, tàu chiến…
Trong lần về quê ngoại, giữa gian nhà nơi ông bà bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, cậu bé đã gặp được các chú bộ đội. Tiến trổ tài vẽ chân dung chú bộ đội. Ai cũng ngạc nhiên và khen bức ký họa có hồn.
Một chú bộ đội lấy ra trong bóp bức ảnh Bác Hồ đưa cho Tiến vẽ thử. Cậu bé ngắm nghía rồi tò mò hỏi: “Người trong ảnh là ai?”. Chú bộ đội bảo: “Đó là ông tiên, khi nào đất nước hết chiến tranh, cháu sẽ được gặp ông tiên”. Thế là Tiến say sưa vẽ ông tiên ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu.
Ngày đất nước thống nhất, anh tiếp tục say sưa vẽ Bác. Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, anh cựu học sinh Trường THPT Châu Thành B (Bến Tre) tình nguyện sang Campuchia tham gia chiến đấu tại Sư 330 (Quân khu 9).
Tranh thủ lúc tạm ngưng tiếng súng, anh lại vẽ ký họa về Bác, về đồng đội và cuộc chiến. Bất cứ chất liệu gì có thể làm nên tranh vẽ đều được anh tận dụng, hết giấy học trò, vải thì dùng vỏ tràm, hết bút mực lại dùng than củi.
Năm 1984, Tiến xuất ngũ. Người thương binh 3/4 lại lao vào vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Anh lang thang khắp các chợ từ Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long sang Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp vẽ chân dung, kẻ bảng hiệu quảng cáo. Chợ tan, anh đạp chiếc xe đạp cà tàng len lỏi vào xóm xa nhận phục hồi ảnh thờ cũ.
Bôn ba khắp xứ, thay đổi chỗ ở trên 60 lần, vẽ vời đủ thứ nhưng tiền chỉ đủ trả tiền thuê nhà, cơm ngày hai bữa, túi cứ rỗng không, anh quyết định trở về quê nhà Bến Tre, vì dù sao nơi ấy anh còn có mẹ.
Mười năm khổ luyện ngón tay
Từ rất lâu, trong tim của Đoàn Việt Tiến luôn ấp ủ quyết tâm vẽ bộ sưu tập chân dung Bác Hồ.
Năm 1989, tình cờ sau cơn mưa, nhìn thấy tấm kính bị vỡ trước sân nhà, nắng rọi vào ánh lên sắc màu lung linh, anh nảy ra ý tưởng sao không thử vẽ chân dung Bác lên kính. Vậy là Tiến lao vào thử nghiệm. Cả trăm lần vẽ không thành, dùng cọ vẽ màu lên kính không xong. Đôi lúc quá mệt mỏi, anh lăn ra ngủ luôn tại chỗ.
Lần đầu tiên sau mười năm khổ luyện, bức chân dung Bác Hồ vẽ ngược trên kính khá hoàn chỉnh đã được Tiến trao tặng cho Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành (Bến Tre) nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1999.
BÁO PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH